Nữ cảnh sát gặp điều bất ngờ khi lên nhầm chuyến xe ngày giáp Tết, nhiều người rơi nước mắt
Mặc dù lên nhầm chuyến xe về quê ăn Tết nhưng câu chuyện đã mang lại một niềm vui nhỏ ngày cuối năm cho nữ cảnh sát Bùi Thị Hà Thu.
Theo bài đăng trên báo Dân Việt, khi chị Thu lên xe, phụ xe đã quan tâm hỏi han tình hình cẩn thận. Trong khi chị đang còn áy náy vì lên nhầm chuyến để phụ xe phải cõng vất vả thì lúc trả tiền vé xe người này nhất định không lấy.
Câu chuyện xúc động lên nhầm xe của nữ cảnh sát bị bệnh hiểm nghèo
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Bùi Thị Hà Thu, 33 tuổi, ở tỉnh Sơn La, đã chia sẻ câu chuyện đầy xúc động của mình vào những ngày cuối năm này.
Sponsored Ad
Chị Bùi Thị Hà Thu đang bị ung thư giai đoạn cuối di căn phổi, xương, não. Mới đây, chị đã đặt xe từ Hà Nội về Sơn La sau khi đi bệnh viện truyền đợt hóa chất thứ 83 và cũng là đợt hoá chất cuối cùng của năm 2024.
“Nhà mình cách bệnh viện tận 300km, chân thì bị liệt không đi lại được nên mỗi lần trước khi đi đều phải đặt chỗ trước với các yêu cầu như nằm ghế hàng đầu tiên, rồi mang cả bình ôxy lên xe để thở. Bến xe ngày giáp Tết khá đông, mẹ mình đưa ra bến xe, cõng lên xe nằm yên vị rồi mẹ về. Thế nào xe đang đi ra cổng bến thì mình mới phát hiện lên nhầm xe”, chị Thu kể lại.
Sponsored Ad
Chị Thu lên nhầm xe và được phụ xe cõng về đúng chuyến. Ảnh: NVCC
Sponsored Ad
Sau đó chị Thu đã gọi cho hãng xe chị đặt để thông báo lên nhầm nhưng chân bị liệt không đi lại được nên không biết làm thế nào. Phụ xe đã bảo chị nói tài xế dừng lại và lập tức “phi đến như cơn gió” cho chị lên lưng đưa về đúng chuyến xe, vừa cõng vừa cầm bình oxy vừa thở bở hơi tai.
Khi lên xe, người này đã quan tâm hỏi han tình hình của chị Thu. Trong khi chị đang còn áy náy vì lên nhầm chuyến để phụ xe phải cõng vất vả thì lúc trả tiền vé xe người này nhất định không lấy.
“Anh ấy bảo mình giữ mà chữa bệnh, lần khác anh ấy lấy sau. Mình thực sự cảm động và thấy ấm lòng vào dịp cuối năm. Giữa trời đông giá rét nhưng tình người Việt Nam chưa bao giờ thôi ấm nóng”, chị Thu bày tỏ.
Sponsored Ad
Câu chuyện của chị Thu sau khi được chia sẻ đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận và yêu thích. Chính chị Thu cũng không ngờ “câu chuyện nhỏ xíu của mình lại có sức lan toả lớn như vậy”.
Không dừng lại ở đó, sau khi đọc tâm sự của chị Thu, chủ nhà xe này đã quyết định tặng vé xe miễn phí trọn đời cho chị. Ngay cả phụ xe cũng dặn chị khi nào đi tiếp thì nhắn anh để đưa ra tận cổng bệnh viện.
“Cảm ơn những lời động viên, lời chúc của mọi người đã giúp mình có thêm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, chị Thu thổ lộ.
Sponsored Ad
Chị Thu được về nhà ăn Tết sau đợt truyền đợt hóa chất thứ 83. Ảnh: NVCC
Nữ cảnh sát xinh đẹp và tin “sét đánh” ở tuổi 27
Chị Bùi Thị Hà Thu sinh ra và lớn lên Nho Quan, Ninh Bình. Sau đó, chị tốt nghiệp Trường Trung cấp An ninh nhân dân và bắt đầu công tác tại Công an huyện Mai Sơn từ năm 2012. Chị kết hôn cùng anh Đặng Trung Nghĩa vào tháng 3/2017. Khi sinh hạ con trai đầu lòng được gần 10 tháng, chị thường xuyên đau nhói ngực. Dấu hiệu mỗi lúc một tăng dần nên chị cùng chồng xuống Hà Nội kiểm tra sức khỏe. Kết quả, chị có khối u lớn ác tính ở ngực vào năm chị mới 27 tuổi.
Sponsored Ad
Chị Thu công tác tại Công an huyện Mai Sơn từ năm 2012. Ảnh: NVCC
Sponsored Ad
Biết tin bị mắc bệnh, chị Thu đã vô cùng đau khổ, khóc rất nhiều khi tuổi đời còn quá trẻ và con trai còn nhỏ. Tuy nhiên, sau đó chị đã sốc lại tinh thần, chấp nhận số phận, không đặt mục tiêu hay hy vọng gì nhiều mà cố gắng sống lạc quan, vui vẻ và tích cực mỗi ngày.
Chị đã quyết định điều trị bệnh tại Bệnh viện 198 – Bộ Công An. Đều đặn cứ 3 tuần 1 lần, chị lại đến bệnh viện điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 5 năm điều trị, chị đã trải qua rất nhiều lần truyền hóa chất, xạ gammar knife khối u não và xạ trị khối u vú cùng vô số hoá chất khô, thuốc kháng sinh đi vào cơ thể. Những lần ấy đều có mẹ đồng hành cùng chị.
“Khi biết tin mình bị bệnh, mẹ suy sụp và khóc rất nhiều. Nhưng vì con nên mẹ phải nuốt nước mắt vào trong để đồng hành và chăm sóc mình. Hành trình 5 năm điều trị liên tục của mình đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của mẹ và trả lại cho mẹ là những vết nhăn trên khoé mắt và mái đầu điểm bạc. Những nỗi đau trong lòng mà mẹ phải âm thầm chịu đựng không thể diễn tả bằng lời. Ngày xưa còn bé mẹ cõng, chăm sóc mình. Bây giờ khi đôi chân không còn khả năng đi lại, mẹ vẫn là người cõng, chăm sóc mình mỗi lần đi viện. Thi thoảng lại thấy mẹ lén lau nước mà tim mình đau nhói”, chị Thu tâm sự.
Mẹ là người đồng hành cùng chị Thu suốt 5 năm qua. Ảnh: NVCC
Còn với con trai, chị Thu cũng ngậm ngùi thương con khi mẹ bị ung thư lúc con còn chưa cai sữa. “Sức khoẻ khi đó rất kém, tiên lượng xấu không còn nhiều thời gian, mình đã chuẩn bị sẵn tinh thần, đi chụp ảnh gia đình, tổ chức sinh nhật sớm cho con, thậm chí còn chụp trước ảnh để làm ảnh thờ. Không muốn con mồ côi khi còn quá nhỏ, mình đã cố gắng chiến đấu với căn bệnh, mong cho con lớn hơn chút để có ký ức về mẹ.
Con trai chị Thu chuẩn bị vào lớp 1 và chị vui mừng khi con đã có kỷ niệm đẹp với mẹ. Ảnh: NVCC
Sức khoẻ hiện tại đã yếu đi nhiều, ngoài di căn phổi và não thì mình mới bị di căn sang xương, chân cũng liệt không thể đi lại được bình thường nữa. Không biết còn được bao lâu, nhưng quan trọng là mình vẫn còn sống, và con vẫn có mẹ… Có con là niềm hạnh phúc và chính là động lực lớn nhất giúp mình có sức mạnh vượt qua tất cả. Dù có trong hoàn cảnh nào mình vẫn luôn khao khát được sống dù là sống chung với bệnh tật, chưa 1 ngày khoẻ mạnh nhưng mình chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ cuộc sống và luôn cố gắng hết mình.
Mình biết thời gian mình ở bên con không còn nhiều nữa, dù mình có cố gắng đến đâu cũng sẽ không thể đồng hành cùng con chặng đường sau này. Chỉ mong con dù không có mẹ bên cạnh vẫn luôn mạnh mẽ, mạnh mẽ như cái cách mẹ đã chiến đấu để được ở bên con”, chị Thu rưng rưng chia sẻ.
Gia đình nhỏ của chị Thu. Ảnh: NVCC
Dịp Tết cũng là lúc nhiều bệnh nhân ung thư mong mỏi về quê đoàn tụ cùng gia đình sau thời gian dài chữa trị. Mới đây, tại bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà nội), hơn 200 người bệnh ung thư cùng quây quần bên mâm cơm tất niên ấm cúng tại căng tin. Báo Thanh niên cũng đăng tải bài viết với nội dung như sau:
“Với truyền thống của người Việt, bữa cơm tất niên luôn là những giây phút quây quần của mỗi gia đình khi cùng đón chờ năm mới. Những người xa quê lại càng mong muốn đoàn tụ, sum họp cùng người thân.
Với người bệnh ung thư, những giờ phút ấy càng đặc biệt hơn, và chúng tôi muốn dành những tình cảm ấm áp gửi đến người bệnh, mong người bệnh ngay cả khi xa nhà, vẫn có được những tình cảm ấm áp”, tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Anh Tú, Phó giám đốc Bệnh viện K, phụ trách cơ sở Tam Hiệp, bày tỏ.
Bữa cơm tất niên ấm áp của các bệnh nhân tại Bệnh viện K Tân Triều (ẢNH: NAM SƠN)
Xuất phát từ mong muốn đó, tối 13.1 (14 tháng chạp), tại cơ sở Tam Hiệp, Bệnh viện K tổ chức chương trình “Tết yêu thương – cơm sum vầy” với hơn 200 người bệnh quây quần bên mâm cơm tất niên, ngay tại căng tin của bệnh viện.
Bác sĩ Tú mong muốn, qua bữa cơm tất niên thân mật, đầm ấm này, tất cả người bệnh cảm nhận được sự chia sẻ của bệnh viện, của bác sĩ, điều dưỡng và nhà tài trợ, như tình cảm của những người thân trong gia đình dành cho nhau.
“Chúng tôi biết, mong muốn lớn nhất của người thầy thuốc là người bệnh được điều trị ổn định, giữ tinh thần lạc quan. Chúng tôi tin tưởng, yên tâm vì y học tiến bộ và đặc biệt là luôn có sự quan tâm của cán bộ y tế ở Bệnh viện K”, ông Phạm Văn H., bệnh nhân ung thư đang trong đợt xạ trị, chân thành chia sẻ.
Một nữ bệnh nhân cho hay, không chỉ cá nhân chị, mà tất cả bệnh nhân đều rất xúc động vì chương trình hết sức ý nghĩa này của bệnh viện. “Hàng ngày chúng tôi được miễn phí cơm ăn và nước uống, tiết kiệm được nhiều hơn để lo thuốc thang, từ đó càng yên tâm, cố gắng điều trị”, nữ bệnh nhân chia sẻ.
Thông tin thêm, bác sĩ Tú cho biết, với các bệnh nhân không đủ sức khỏe để tham dự bữa cơm tất niên tại căng tin, đại diện bệnh viện tới từng giường bệnh thăm hỏi, trao những phần cơm đặc biệt tới từng người.
Trong 2 tuần trước tết Nguyên đán Ất Tỵ, bệnh viện và các nhà tài trợ sẽ tổ chức các chuyến xe yêu thương đưa người bệnh về quê ăn tết.
Theo bác sĩ Tú, là tuyến cuối về ung bướu, Bệnh viện K tiếp nhận các bệnh nhân từ các tỉnh, thành. Tết này, chuyến xe yêu thương sẽ đưa khoảng hơn 1.000 bệnh nhân và người nhà về tận quê ăn tết cùng gia đình. Trong đó, có các bệnh nhân quê tận Đắk Nông, Đắk Lắk, hoặc các tỉnh vùng núi phía bắc xa xôi.
Có những chuyến xe, tuyến đường chỉ 5 – 7 hành khách là bệnh nhân và người nhà, nhưng bệnh viện vẫn đảm bảo sắp xếp phù hợp để mỗi người bệnh được về quê ăn tết thuận lợi nhất, thay vì phải đi từ bến xe đông đúc.
Anh Dũng, một thành viên của đơn vị tài trợ, không giấu nổi những giọt nước mắt ngân ngấn khi thấy người bệnh xúc động, quây quần thưởng thức bữa cơm sum vầy mang hương vị của ngày tết cổ truyền với bánh chưng xanh quện nhân đỗ, những chiếc nem giòn thơm, hay đĩa giò nạc xếp ngay ngắn bên bát canh măng.
“Bữa cơm tất niên giản dị cũng là tình cảm, là tấm lòng, là sự chung tay của cả bệnh viện cùng các nhà hảo tâm mong gửi tới các bệnh nhân. Chúng tôi gửi gắm sự chân thành, chỉ với mong mỏi, mỗi người bệnh thêm nghị lực chiến thắng bệnh tật, đón thêm thật nhiều mùa xuân”.